Chiếc gương thần - Phạm Thái 06C16

Mời các bạn đọc đoản văn của Phạm Thái (06C16), để chia sẻ với Thái chút triết lý về cuộc sống. Mà bản nhạc đời đôi khi cũng thú vị khi có vài nốt lặng chiêm nghiệm, ngẩn ngơ...

Thân mến,
Trần Thông

-------------------------------------------------------------------

CHIẾC GƯƠNG THẦN.

        Có thể bạn và tôi từng nghe cha mẹ,và những người lớn tuổi dạy bảo: “Con phải theo gương tốt của người này, người nọ”, “con phải làm gương cho em con noi theo”. Thế đấy, cuộc sống của chúng ta trôi qua theo những lời “huấn thị” này. Không có điều gì sai trái trong việc mình được dạy dỗ, được giáo dục từ thế hệ đi trước. Thế nhưng “gương” ở đây không hẳn là “hình tượng” để mình noi theo, mà là “gương” để từ đó mình “rọi” vào.

     Tôi và bạn cùng “ngẫm nghĩ” về cái gọi là tấm gương, cái gương theo nghĩa đen cùng nghĩa bóng của nó. Khi soi mặt mình vào tấm gương, mình sẽ thấy khuôn mặt mình “như nó là” trong đó, mình sẽ lau sạch các vết bẩn, chà xát các vết nhăn để làm đẹp khuôn mặt của mình, phải thế không bạn? Thế thì “tấm gương, cái gương” có làm khuôn mặt của mình đẹp hơn không? Không hề! Tấm gương chỉ làm nhiệm vụ duy nhất của nó là “cái gương”, là “cái soi” để khuôn mặt phản xạ trong nó, để bạn thấy chính khuôn mặt mình và tự “tút lại” cho đẹp ! Và tâm trí bạn cũng có thể được “soi rọi” như thế qua “chiếc gương thần”.

      Khi nói về tâm trí bạn: nó có những tư tưởng, kiến thức, kinh nghiệm lưu trong bộ nhớ là ký ức chứa đựng trong bộ não, nó dùng những thứ đó để làm nguyên liệu, làm dữ liệu để tạo ra những suy nghĩ đáp ứng với “thách thức” của hoàn cảnh hiện tại. Bạn suy nghĩ xem: hành động của bạn gọi là trong hiện tại, nhưng thực ra nó toàn bị quá khứ chi phối. Kiến thức rất hữu ích trong lĩnh vực chuyên môn, trong lĩnh vực máy móc, khoa học kỹ thuật, nhưng nó là “mầm móng hủy hoại” trong lĩnh vực tâm lý, trong lĩnh vực đời sống, bởi bạn dùng những “điều chết cứng” trong quá khứ để “áp đặt”, để ứng xử với sự sống hiện tại. Bạn dùng “cái chết” để xử lý với “cái sống”. Như thế tránh sao cuộc sống không trở thành một “bãi chiến xung đột” bất tận. Và bạn có bao giờ thử hỏi: tâm trí mình có được soi rọi như khi mình soi mặt vào trong cái gương hằng ngày không ? Khi tâm trí “được soi gương” thì nó sẽ thấy những “vết nhơ” của nó rồi tự lau sạch, tự chuyển hóa. Tôi cho rằng việc tâm trí tự “soi rọi” vào gương là điều làm được, và điều duy nhất là bạn phải tự “soi”. Không ai có thể “soi gương”cho tâm trí bạn được, bởi nếu làm như thế họ không phải là “tấm gương”, mà họ trở thành biểu tượng, trở thành “hình ảnh thần tượng”để bạn “làm theo, bắt chước”. Ôi trời! bao đời nay con người làm như thế đó! Người ngoài nếu có giúp bạn, họ chỉ là người chỉ đường cho bạn tìm chiếc gương. Nhưng điều “oái oăm” thay, “cái gương-tấm gương” bạn không thể tìm thấy bên ngoài, bạn không thể hy sinh, hiến dâng mình để có nó, bạn cũng không thể dùng tiền bạc để mua, không cha mẹ nào có thể đưa nó cho bạn được. Và hơn nữa không một phương pháp khoa học nào, không một niềm tin, lý tưởng nào có thể giúp bạn có được tấm gương để tự soi rọi tâm trí. Thế thì tâm trí bạn hỏi làm sao để nó tự soi nó được?! Tâm trí không bao giờ làm được điều đó, bởi tự nó là sự rối loạn-hỗn độn, dù nó có làm gì cũng tạo thêm sự rối loạn không ở mặt này thì cũng ở mặt khác, nó “chạy lòng vòng” trong chu vi “cài đặt” bao đời.

   Tâm trí muốn tự soi rọi chính nó để chuyển hóa, bởi nó “thấy” cuộc sống như hiện giờ của con người thì quá hỗn độn từ khi sinh ra, lớn lên, già cỗi rồi đến chết. Tâm trí xoay trở đủ cách để tìm cách thoát ra nó, tìm cách tự soi lấy nó, nhưng rồi nó rơi vào “bế tắc”! Thôi thì “tới đâu thì tới”, tâm trí bỏ mặc mọi vấn đề, không tìm cách giải quyết, không hoạch định phương pháp nào để thoát hay để soi nó nữa. Tâm trí chìm vào im lặng, bất động, nó không mơ ngủ, nó rất “tỉnh táo”, nó không làm gì hết cả! Thế rồi khi ấy “tấm gương thần” chợt lộ diện, nó xuất hiện mà không hề báo trước! Tâm trí không phải làm gì cả để tìm gương, việc nó làm là tự soi rọi chính mình để chỉnh sửa, để chuyển hóa. Và điều nên nhớ việc soi gương không chỉ một lần, nó diễn ra cùng với cuộc sống. “Tấm gương thần” cũng không thể cất giữ được, nó là chiếc gương luôn mới từng lúc, là chiếc gương luôn được xử dụng lần đầu, lần đầu cũng là lần cuối! Chiếc gương đi cùng với sự sống-cái chết diễn ra trong từng chớp, từng chớp bất tận, không bắt đầu cũng không kết thúc ./.  

 

PHẠM THÁI (06C16)
Sài Gòn 25.02.2017

 

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Sáng tác Văn Chiếc gương thần - Phạm Thái 06C16