Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 6

Châu Trân gửi tiếp bài tường thuật về chuyến thăm Đồng Bằng Sông Cửu Long tháng 05/2019. Với trí nhớ quá tốt và lời văn truyền cảm, Trân sẽ đưa tụi mình nhớ về kỷ niệm thời đi lập bộ thuế nông nghiệp gần 40 năm về trước

Trần Thông
BLL Cựu SV C16

-------------------------------------------------------

Thị Trấn Ngã Năm.

Tháng 5, 2019.

Sáng nay cả nhà đi ăn sáng ở một tiệm ăn rất tím tên Màu Tím, khéo cho ai đã đặt cái tên mà bên ly cà phê giữa đất phương Nam tui lại lục tìm tuổi thơ của mình, nơi có những đồi sim mọc hoang trên triền sông Vu Gia xứ Quảng. Tui hỏi anh Tư, người bạn mà Khánh nhờ hôm nay chở tụi tui đi chơi Bạc Liêu, là xứ này có trồng cây sim tím? ảnh cười trả lời chắc là tím của bằng lăng, tui đã ngô nghê quên mất mình đang ở Cà mau giữa đồng bằng sông nước Cửu Long.

Anh Tư cho xe chạy quanh giới thiệu chúng tôi về thành phố Cà Mau, rồi theo quốc lộ 1A đi hướng Bạc Liêu. Có Nhà thờ cha Diệp nằm ngay trên đường đi, chúng tôi dừng để viếng thăm. Tui nghe tiếng Cha Trương Bửu Diệp từ lâu, có một đền thờ vinh danh ngài rất lớn ở quận Cam Cali, chỗ gần tui ở.

Nhà thờ Tắc Sậy, cái tên nghe sao dễ thương Nam bộ, nằm ở một góc nhà quê nhưng khi bước vào cổng thì ngạc nhiên vì cả chục chiếc xe bus đưa khách hành hương đang đậu trên sân. Nhà thờ có một kiến trúc khá độc đáo với ba tầng, hai tầng trên được dành để cử hành thánh lễ. Bên trái nhà thờ là mộ của cha Diệp có nóc che ba mái ở trên, mới sáng nhưng đã thấy hằng trăm người đang cầu nguyện nơi mộ ngài. Bên phải nhà thờ là khu lưu niệm, trưng bày lịch sử nhà thờ cũng như biến cố năm 1946 về việc cha Dịêp chịu chết thay để 70 người giáo dân của ngài được sống. Phía sau nhà thờ là một nhà khách lớn có nhiều giường để khách phương xa có thể ngụ lại miễn phí. Câu chuyện kể rằng có nhiều người đã hết bịnh nan y sau khi đến khấn ở đây, tiếng lành đồn xa nên giữa thôn làng hẻo lánh nơi góc trời này có nhiều khách hành hương, cầu mong ơn trên ban phép lành cho họ, tui cũng đã nguyện cầu.

Rời Tắc Sậy, chúng tôi không đi Bạc Liêu mà quay về vì muốn dành thời giờ thăm chợ Cà Mau. Ba đứa lang thang vào chợ thăm hàng tôm cá rồi ghé lại một gánh chè, Nga thử chè ba màu còn tui với Nhỏ làm hai ly thốt nốt bào dừa, hai thằng ăn chè ngon lành như đang trở về thời đi học. Tiếp tục mon men giữa chợ thì Khánh gọi, đã đến lúc giã từ xứ Cà Mau đáng nhớ này.

Chương cầm lái, chàng không đi theo quốc lộ 1A mà theo đường Quản Lộ - Phụng Hiệp về Sài Gòn. Tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp này có hai làn xe mỗi bên chạy rất thông thoáng, đang bon bon thì xe lại quẹo xuống đi qua một dãy phố sầm uất có tấm bảng ghi “Thị Trấn Ngã Năm – Tỉnh Sóc Trăng”, xe qua cầu rồi lên lại lộ, thêm một đoạn thì ghé lại một quán bên đường để dùng trưa. Quán tên là Phúc Lộc nổi tiếng về lẩu mắm miền Tây, cá sặc ăn với các loại rau đặc sản quá ngon, đã lâu lằm rồi tui mới được ăn lẩu mắm ngon như vậy. Mọi người thưởng thức, mới ăn chút ít thì Khánh dừng vì da nổi mề đay, hỏi ra thì anh chàng không ăn được mắm nhưng hôm nay muốn giới thiệu với bạn đặc sản Ngã Năm mà ăn liều nên chừ bị ngứa tùm lum, ai biểu thương bạn lắm làm chi.

Xe tiếp tục trên Quản Lộ - Phụng Hiệp, chạy song với con kinh xáng cùng tên. Hồi nãy khi đi qua Ngã Năm, nghe tên quen thuộc lắm nhưng không biết từ đâu, nhưng cuối cùng tui đã nhớ ra, đây chính là thị trấn Ngã Năm huyện Thạnh Trị Tỉnh Hậu Giang mà tui đã đến 39 năm về trước, thiệt vậy ký ức ngày xưa đang mồn một tìm về.

Tháng 10 năm 1980, sinh viên năm thứ ba nghỉ học ba tháng về miền Tây công tác thuế nông nghiệp cho Bộ Tài Chính, lớp 10 tui về tỉnh Hậu Giang, huyện thứ nhất mần việc là Kế Sách và huyện sau là Thạnh Trị. Xe đò đưa cả lớp xuống Thạnh Trị vào một ngày mưa lớn, cả lớp được ở trong nhà khách Huyện ủy bên kia sông. Nhớ cả một buổi chiều mưa đó tui được nghe Chu Năng Kính ôm đàn hát hết 10 bài không tên của Vũ Thành An. Giọng Kính nhẹ trong ca từ “ Mưa bên chồng có làm em khóc,.. ”, tui mê lời hát đó dẫu đã hai mươi chưa từng có một mối tình. Ngày hôm sau được tập huấn cùng mấy em phòng Tài Chính, chưa kịp chút lời hoa bướm thì phải xuống đò đi cùng 4 bạn khác về xã làm bộ thuế, xã cùng tên Thạnh Trị cách thị trấn Phú Lộc của huyện một tiếng đường sông.

Năm đứa được phân ngụ ở bệnh xá xã, đây là một căn nhà sàn lớn xây trên kinh Thạnh Trị, đối diện bệnh xá là uỷ ban xã mà bên trái có một gian phòng rộng dành cho ban tài chính, ở đó có Hai Thương là trưởng ban mà chúng tôi phải làm việc với mỗi ngày. Hai Thương trạc tuổi 40, người to mập 80 ký, đi lại chậm chạp thở xập xì với điếu thuốc lúc nào cũng ngậm lệch bên môi. Tên là Thương nhưng khó thương vì ảnh rất hách xì xằng, chiều nào cũng nhậu ở dãy nhà sau với một số người, thấy tụi sinh viên tui qua lại mà chẳng bao giờ mời nhậu. Cũng may đời còn dễ thương là có cô Bạch. Bạch người thành phố Cần Thơ, tốt nghiệp điều dưỡng viên y tế vài năm trước rồi phân công làm trưởng bệnh xá ở đây, cô nàng xinh xinh với mái tóc thề rất là duyên. Tui cũng thích nhưng ít cơ hội nói chuyện vì chiều nào Bảy Hưng cũng ghé qua trạm xá chơi đến tối. Bảy Hưng đẹp trai vui tính, mới 27 tuổi là người của huyện điều xuống đây làm chủ tịch xã, chiều chiều tụi tui thường chờ anh Bảy sang để ké vài điều thuốc rê rồi lãng đi chơi để anh tâm sự, anh ta thích cô điều dưỡng Bạch.

Mấy năm bo bo ở nhà bếp nhà trường, bây giờ được lạc xuống đây ăn cơm trắng mỗi ngày như đạt đến thiên đường. Vậy mà cơm trắng với đậu tương đen riết cũng bắt đầu ngán cơm thèm cá, Hai Thương có hũ mắm cá linh để trên kệ cao tui có lén ăn hết mấy con. Không biết việc ăn cá linh có bị lộ không mà ngày hôm sau ảnh biểu tui lên ấp trên đo lại đất vì sổ bộ thuế cộng lại không đủ diện tích. Mỗi ngày tui phải đi bộ mấy cây số lên đo đất cùng với anh thư ký ấp. Những ngày trời nắng chang chang, tui một đầu ảnh một đầu cầm sợi dây dừa 100 mét đi từ ruộng này qua ruộng khác, mệt nhọc nhưng hạnh phúc bởi trưa nào cũng được ăn nhiều loại cá đồng, đặc biệt là mắm ba khía ăn với cơm trắng so đậm đà hương vị.

Sau ba tuần làm việc hăng say, nhóm sinh viên tài chính đã làm xong bộ thuế, Hai Thương lần đầu tiên rủ nhậu, nhóm tui cùng ban thuế xã đã có một đêm say. Sáng ra thấy Hai Thương đang ngồi trên xe máy cày Kubota với cái cặp táp thiệt to, tui tới xin anh vấn điếu thuốc cũng nhân tiện khen anh hôm nay áo quần tươm tất. Ảnh nhoẻn miệng cười hoa nói là hôm nay đi cùng Út Tính là bí thư xã lên huyện uỷ báo công bộ thuế đã hoàn thành, đang vui ảnh đưa tui luôn gói thuốc rê trước khi xe chạy, lần đầu tiên tui thấy Hai Thương có nét dễ thương. Khi chiếc Kubota nổ máy, tui thấy lạ vì bác tài không ngồi lái mà lại ngồi sau với Hai Thương, còn cầm lái lại là bí thư Út Tính. Út Tính chơi bộ đồ vét đen nhưng đi chân trần, anh ta nhấn ga bằng bàn chân không dép đưa chiếc Kubota chạy dọc bờ kinh về huyện, để lại trong tui chiếc máy cày ngồ ngộ khó phai nhòa.

Cũng tối hôm đó là đêm sáng trăng, thấy Bạch cùng vài chị y tá xã chuẩn bị lên chùa xem văn nghệ, tui xin đi theo và đã được nhận lời. Một đêm quê yên bình, chúng tôi bỏ dép băng đồng dưới ánh trăng vằng vặc, lúc đi ngang một ruộng mía Bạch bẻ mía và đưa tui một khúc, mía Thạnh Trị ngọt ngào để tui nối hứng ngâm thơ Hàn Mặc Tử. Bài “Đây Trăng Vỉ Dạ” tôi ngâm chắc có gây chút cảm tình, vì Bạch hứa sẽ dẫn tui ngày mai trăng mười sáu đi thăm một ngôi chùa khác.

Trưa hôm sau xã tổ chức liên hoan tiễn đoàn làm bộ thuế ngày mai về huyện. Sau liên hoan, đang quởn thì có anh Hai Chuột ở ấp Tà Lọt mời qua bên nhà ảnh nhậu, hai bạn nữ bận chỉ có ba thằng theo ảnh qua sông. Tưởng gần bên kia bờ kinh xáng, nhưng là một tiếng đồng hồ chèo dọc ngang qua bao kênh rạch mới đến nhà anh Hai Chuột. Căn nhà tranh trống hoác nằm đơn lẻ giữa cánh đồng như một góc trời hoang đảo, ngoài cái giường tre không thấy tài sản nào khác, không bàn ghế cũng không cửa ngõ, nhờ ơn lành còn có một chiếc ghe để ảnh còn giao lưu với cuộc sống bên ngoài. Ảnh mời bữa cơm hôm nay như lời cám ơn đã cộng giùm ảnh diện tích thuế cho ấp Tà Lọt, ảnh làm thư ký ấp nhưng mới học lớp ba, tính toán không rành.

Lúc chị Hai Chuột ra đồng hái bông điên điển và bông súng, thì chúng tôi theo anh Hai ra trước ao nhà bắt cá. Anh mặc nguyên bộ đồ quần xà lỏn áo thun lội xuống ao chụp nơm một vài lần thì được hai con cá vồ, mỗi con to độ bắp chân. Những con cá này chắc có ăn thực phẩm tạp từ hố xí đặt ở góc ao, tui đoán chừng vậy vì thấy Hai Chuột khi làm cá đã bỏ sạch bao tử lòng. Chị Hai về với một rổ rau đầy, sau dăm phút chúng tôi đã quay quần bên nổi lẩu cá vồ bông súng. Trên nền đất nghèo nhà Hai Chuột, tui đã nhấm cà vồ và uống rượu rất nhiều. Không biết đã ở đó bao lâu, chỉ nhớ say mềm nằm dài trên ghe để anh Hai chèo đưa về xã. Một đêm giữa trời khuya tĩnh mịch lướt trên sông nước, tiếng mái chèo đều nhịp trong câu vọng cổ từ anh Hai Chuột đã là hình ảnh quá đẹp khắc mãi trong tui, dẫu cũng vì say mà tui đã lỡ hẹn cùng Bạch, lỡ một đêm trăng mười sáu nơi bờ kinh Thạnh Trị.

Về lại huyện, tui được phân công vào nhóm mới tiếp tục đi làm bộ thuế ở Thị Trấn Ngã Năm. Ngoài thị trấn Phú Lộc là nơi đặt huyện lỵ, Ngã Năm là thị trấn thứ hai cũng thuộc huyện Thạnh Trị nằm cách huyện độ 30 cây số đường sông, Ngã Năm cũng về hướng xã Thạnh Trị nhưng đi xa hơn nhiều. Ngày hôm ấy, nhóm sinh viên đi trên một con tàu lớn, chạy độ 2 tiếng đồng hồ hết kinh xáng thì đổ ra một con sông rất lớn chạy ngang, cơ quan thị trấn năm ngay bên trái ngã ba sông mặt quay ra kinh Phụng Hiệp.

Bữa trưa đói meo, tưởng đến được thị trấn sẽ được ăn cơm nhưng bị bỏ đói chèo queo. Số là khi bước vào văn phòng thị trấn đúng giờ nghỉ trưa, ông chủ tịch đang chơi bài tiến lên cùng vài ba cán bộ, thấy tụi tui vào họ chẳng buồn hỏi lấy một câu. Chờ độ 15 phút không nghe gì, Đặng Xuân Tùng lớp tui bèn lên tiếng, tự giới thiệu là của huyện đưa về làm bộ thuế nông nghiệp, họ nhìn lên rồi bảo cứ chờ. Nản quá tui bước ra ngoài bờ sông ngắm cảnh. Nhìn qua bên kia con sông lớn có hai con sông nhỏ nối vào, cộng với kênh nhỏ Thạnh Trị nữa là năm, bây giờ thì tui hiểu vì sao thị trấn này lại có tên Ngã Năm, nó sầm uất vì năm sông gặp nhau trên giao lộ. Con sông lớn là Kinh Xáng Phụng Hiệp nối Ngã Bảy với Cà Mau, con kinh này rộng gấp ba lần kênh Thạnh Trị, có rất nhiều xà lan lớn chạy qua lại dội những cơn sóng vào bờ. Đi bộ một đoạn theo bờ kinh lớn thì thấy một trạm thu thuế công thương nghiệp, tình cờ tui ghé vào xem. Là dân miền Trung đi học Sài Gòn thì trạm thuế tui quá quen thuộc vì mỗi lần về quê phải qua cả chục trạm và thường hành khách phải xuống xe để họ xét, nhưng đây là lần đầu tiên tui thấy trạm thu thuế trên sông. Anh thuế vụ đứng trên bờ, lâu lâu anh tuýt còi và chiếc ghe bị tuýt còi liền ghé vào bờ để kiểm tra. Ghe tàu lớn nhỏ qua lại rất nhiều, làm sao chủ ghe biết tiếng còi gọi mình mà tấp vô và nếu nghe mà chạy luôn thì điều gì sẽ xảy ra, tui muốn ở lại coi thử nhưng phải quay lại cơ quan thị trấn để xem đã có cơm chưa. Nhưng than ôi, sau khi xong ván bài tiến lên họ xem giấy và phán nơi đây không cần giúp đỡ làm bộ thuế, họ mua vé gửi nhóm sinh viên về lại Thạnh Trị, một chuyến công tác đã không thành. Bỏ lại cảnh nhộn nhịp trên sông và quán xá vui nhộn giữa vùng quê này thiệt là đáng tiếc, chúng tôi đã không duyên phận với Thị Trấn Ngã Năm.

Trên đường về, chiếc tàu chở khách ghé lại bến đò Thạnh Trị để thả người và lấy hàng về huyện, tàu dừng 15 phút tui tranh thủ chạy xuống bến tìm mua thuốc lá, mua xong khi quay lại tàu thì tui thấy Bạch đang đi đến từ trạm y tế. Gặp lại trong lúc bất ngờ, tui li nhí trong miệng lời xin lỗi đã uống rượu say trễ hẹn, Bạch nói đã quên chuyện đó rồi và bây giờ tình cờ thấy tui nên định nhờ đưa giùm bức thư cho gia đình Bạch ở Cần Thơ vì tui sắp về đó. Tui đứng đợi để nàng quay lại trạm y tế lấy bức thư, nhưng lúc tàu hú còi thì nàng chạy đến nói “ thôi không cần đưa thư nữa, chúc Trân đi về bình an”. Tàu rời bến, tui lên boong tàu hút thuốc, theo làn khói trắng nhìn xa dần như có ai đang đứng trên bờ vẫy một bàn tay, chợt nhận ra Bạch tui liền vẫy tay mình, vẫy mãi trong thinh lặng cho đến khi bóng nàng chỉ còn là chấm nhỏ trên bến đò Thạnh Trị, tui đã vụng về cho một cuộc tiễn đưa. Lẽ ra tui phải chạy đến tìm và chào Bạch khi tàu vừa cập bến, dẫu chỉ là tình người nhưng tui đã không xử sự như một sinh viên thành phố, ngay phút đó tui đã ray rứt và không dám đổ do hoàn cảnh đói kém thiếu cơm mà thành người bất lịch, phải chăng ở tuổi đôi mươi tui đã chưa kịp trưởng thành.

Vẫn còn trong giấc mơ Thạnh Trị thì nghe chuông reng điện thoại, Nguyễn Hồng Thế gọi Khánh nói ghe qua Mỹ Tho cho Thế quá giang về Thành Phố. Thế đang chờ ở một nhà hàng ở Mỹ Tho nằm sát sông Tiền, khi chúng tôi ghé vào để đón thì Thế cười giả lả, hắn nói “Có cua hoàng hậu ngon quá, tau gạt tui bay xuống đây uống vài ly rồi đi”. Chúng tôi ngồi với Thế thêm một lát nữa rồi phải chia tay, tạm biệt người bạn Tiền Giang dễ thương của c16.

Xe về đến Sài Gòn, thả Nhỏ ở Phú Lâm nhân tiện ghé thăm gia đình bạn. Nhớ lại khi xưa một thùng thuốc nhỏ nơi Đồng Khởi, bây giờ đã là một cửa hàng tạp hóa nguy nga, đủ loại hàng hoá lớn hơn một 7-Eleven bên Mỹ. Mừng cho bạn có người vợ tài giỏi đảm đang, cửa hàng đang cần người và Nhỏ về hưu thật là đúng lúc.

Xe qua Yên Đỗ để về nhà Thông, tạm biệt gia đình Khánh đã dành cho Trân-Nga nhiều lắm ân tình. Thông đang ở Vũng Tàu đón bạn về từ Đức, nếu hắn ở nhà chắc là đêm không ngủ, tui sẽ bắt hắn uống cạn đêm nay bởi tui đang trong dạt dào nổi nhớ. “ Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy” , giọng ca của Thế hát đêm nào đã thấm đậm tình tui, lòng tui đã cắm sào trên những bờ kinh phương Nam, từ khi đó và mãi mãi.

Châu Trân
10c16.

Đăng Facebook C16 ngày 16/10/2019

Hình ảnh đi theo bài:

20191016 01 
Ăn sáng và uống café ở quán Màu Tím (Cà Mau)
20191016 02

20191016 03
Ăn chè thốt nốt bào dừa ở chợ Cà Mau

20191016 04
Một quán đặc sản lẫu mắm miền Tây, quán Phúc Lộc, Thị Trấn Ngã Năm trên đường Quản Lộ-Phụng Hiệp

 

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Sáng tác Văn Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 6