Vũ nữ Cẩm Nhung, một kiếp phù hoa

Những ai ở Miền Nam trong thập niên 1960 đều biết câu chuyện buồn về cuộc đời của một người đẹp nức tiếng Sài Gòn: vũ nữ Cẩm Nhung.

Khi còn hương sắc thì dập dìu kẻ đón người đưa, chỉ vài năm thì gặp nạn, thân tàn ma dại phải lết đi ăn xin ngoài chợ Bến Thành. Phải chăng trời đày một kiếp hồng nhan:

"Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường"
            (Nguyễn Du-Truyện Kiều)

Mời các bạn xem bài sưu tầm dưới đây, thật ngậm ngùi cho một số phận.

Trần Thông
BLL Cựu SV C16.ĐH TCKT
-----------------------------------------

Lật lại hồ sơ “nữ hoàng” Cẩm Nhung bị tạt axít

VunuCamNhung 01 Thoixuansac 

Sự kiêu hãnh, tự tin quá mức của cô vũ nữ trẻ đẹp đã là nguyên nhân đẩy cô xuống tận cùng địa ngục…

Sài Gòn dưới thời Ngô Đình Diệm không thiếu những vụ đánh ghen, nhất là khi các tướng tá của chính quyền Ngô Đình Diệm được nới lỏng chuyện ăn chơi, đàng điếm. Thế nhưng, vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị đánh ghen bằng axít là kinh khủng nhất, làm kinh hoàng cả Sài Gòn và niềm Nam hàng năm trời.

Chính bà Trần Lệ Xuân, rồi chồng bà là cố vấn Ngô Đình Nhu cũng phải vào cuộc với nỗ lực cứu cô vũ nữ nạn nhân và trừng trị những kẻ gây tội ác, nhưng tất cả đều không thành. 

Chấn động cả Sài Gòn

Ngày 18 tháng 7 năm 1961, đồng loạt các tờ báo, tạp chí ở Sài Gòn đăng tin, giật tít rất giật gân về việc “nữ hoàng vũ trường” – vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axít, phá hủy toàn bộ gương mặt xinh đẹp. Các tờ báo đều có chung nhận xét, đây là vụ đánh ghen bằng axít lần đầu tiên xảy ra trong giới thượng lưu Sài Gòn và trở thành tâm điểm quan tâm của mọi giới.

Vũ nữ Cẩm Nhung người gốc Hà Nội, có một khuôn mặt cực đẹp và làn da trắng hồng của con gái xứ Bắc, đôi mắt lẳng lơ, cùng thân hình quyến rũ và đôi chân điệu nghệ nhất trong các vũ điệu cuồng say tại vũ trường Kim Sơn.Sinh ra và lớn lên trên đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, cô gái Hà thành từng có một thời niên thiếu êm đềm bên hồ Gươm, bên bờ sông Hồng, bên những dãy phố cổ của Hà Nội 36 phố phường. Khi vừa trở thành thiếu nữ, lúc đôi má của cô gái tuổi 15 đã biết ửng hồng khi gió mùa đông bắc tràn về, cô phải lưu luyến rời xa Hà Nội để theo gia đình di cư vào Nam.

Vào Sài Gòn được ít năm, khi cuộc sống vừa ổn định, cha của Cẩm Nhung đã qua đời vì bệnh, gia đình chỉ còn lại ba người phụ nữ: mẹ cô, bà vú Sọ và cô. Không có điều kiện đi học tiếp, Cẩm Nhung xin vào làm tiếp viên trong một nhà hàng. Từ một cô tiếp viên chuyên bưng bê món ăn, cô đã lân la làm quen với những bản nhạc, những điệu nhảy trong quán bar của nhà hàng. Để rồi khi chưa tới 19 tuổi, cô đã trở thành gái nhảy chuyên nghiệp trong giai đoạn phong trào nhảy đầm phát triển rầm rộ như nấm mọc sau mưa trên đất Sài Gòn.

Trước đó, vũ nữ Cẩm Nhung cũng đừng được các đại gia bao bọc. Cùng với số tiền cát-sê cao ngất hàng đêm, cô gái trẻ đã sớm tạo dựng cho riêng mình cơ ngơi vững vàng. Cô có nhà ở trung tâm Sài Gòn, sống cùng mẹ và bà vú Sọ. Thế nhưng, sự kiêu hãnh, tự tin quá mức của cô vũ nữ trẻ đẹp đã là nguyên nhân đẩy cô xuống tận cùng địa ngục.

Theo một số tờ báo, dù chỉ mới 23 tuổi và mới vài ba năm Cẩm Nhung làm vũ nữ, nhưng đã có không biết bao nhiêu tướng tá, đại gia đất Sài thành từng đắm đuối, say mê, săn đuổi, lấy lòng người đẹp. Cẩm Nhung nổi lên trong giới vũ trường nhờ nhan sắc, những bước nhảy và cả phong cách “chịu chơi”, đồng thời cũng là người con gái trẻ đẹp sớm trở nên giàu có nhờ những nguồn thu nhập khác nhau. Nhưng trong số ấy, viên Trung tá Trần Ngọc Thức đã có gia đình, lại lọt vào mắt xanh của nữ hoàng vũ trường.

Thời ấy, “Thức công binh” (biệt danh của trung tá Trần Ngọc Thức) nổi lên như cồn trong giới ăn chơi ở Sài Gòn. Sài Gòn và cả miền Nam bắt đầu tiếp nhận viện trợ ồ ạt của Mỹ.Các cơ sở hạ thầng phục vụ quân đội, phục vụ chiến tranh được chính quyền Diệm đầu tư tối đa, là mảnh đất màu mỡ để “Thức công binh” vớ bở, trở nên giàu có, thừa tiền của để bao gái. Vợ trung tá Trần Ngọc Thức có biệt danh là “Năm Ra-đô” – một biệt danh mà giới giang hồ khu Cô Bắc đặt cho, do bà chuyên buôn mặt hàng đồng hồ Ra-đô của Thụy Sĩ mới nhập càng vào Sài Gòn. Bà không lạ gì thói trăng hoa của chồng. Nhưng lần này, thấy “Thức công binh” mê cô vũ nữ trẻ đẹp, quên cả gia đình, còn không giấu giếm ý định cưới cô ta làm vợ bé, bà “Năm Ra-đô” đã ghen tuông đến nổi điên lên. Bà đã có rất nhiều lần hăm dọa, đánh ghen (theo kiểu truyền thống, nắm đầu, tát tai…) nhưng không làm sao khiến cho hai kẻ “già nhân ngãi, non vợ chồng” thôi nhau.

Cẩm Nhung chấp nhận làm vợ bé – điều không có gì là ghê gớm trong xã hội Sài Gòn thời đó. Cô không thể ngờ bà “Năm Ra-đô” đã vạch kế hoạch tỉ mỉ tiêu diệt tình địch. Hôm đó Cẩm Nhung trở về nhà từ vũ trường, khi còn cách chiếc taxi khoảng 10 mét, bất ngờ từ bên kia đường, một gã đàn ông chạy nhanh về phía cô. Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng gì thì ca axít đã tạt mạnh vào mặt “nữ hoàng vũ trường”. Những người có mặt tại chỗ kể lại, họ chỉ nghe tiếng kêu cứu thất thanh “Chết tôi rồi, cứu tôi với” của nạn nhân.

Khi Trần Lệ Xuân bốc đồng

Một tuần lễ sau khi xảy ra vụ tạt axít, bà Trần Lệ Xuân (vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu) đi công cán nước ngoài về tới Sài Gòn. Đọc báo thấy sự việc, bà Lệ Xuân tức giận, chỉ đạo Nha An ninh phải làm rõ vụ việc, xử thật nặng những kẻ gây tội ác, và đã chỉ đạo bệnh viện Đồn Đất đưa Cẩm Nhung vào khu chăm sóc đặc biệt. Mọi cuộc thăm viếng Cẩm Nhung sau đó đều có sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát.

Với bản tính bốc đồng và tùy hứng, bà Lệ Xuân còn chỉ đạo cho ngừng hoạt động của tất cả các vũ trường, vì theo bà, đó là nguồn gốc của thói ăn chơi sa đọa, tan nát gia đình và tội ác. Bà còn cho kiểm tra tất cả các tướng tá Sài Gòn xem ai có vợ nhỏ phải xử lý kỷ luật.

Với áp lực của vợ là Trần Lệ Xuân, ngài cố vấn Ngô Đình Nhu còn buộc trung tá Trần Ngọc Thức phải giải ngũ, trở về làm dân thường. Một phiên tòa đã được mở sau khi vụ tạt axít xảy ra gần ba tháng. Bà “Năm Ra-đô” và tên du đăng trực tiếp tạt axít bị tuyên phạt mỗi người 20 năm tù, tên đồng bọn còn lại bị phạt 15 năm tù.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, khi vụ án còn đang bị ở quá trình kháng cáo thì chế độ Ngô Đình Diệm đã bất ngờ sụp đổ với cái chết của hai anh em nhà họ Ngô, bà Lệ Xuân phải sống lưu vong. Không bị xử tù, nhưng bà “Năm Ra-đô” đã mất hết quyền uy, giống như người chồng của mình. Theo báo chí Sài Gòn, sau đó, vợ chồng “Thức công binh” đã chia tay nhau mà nguyên nhân chính là vụ tạt axít của người vợ. Về sau, không ai còn biết “Thức công binh” ra sao, còn bà “Năm Ra-đô” thì gửi thân nơi cửa Phật, có lẽ bà muốn nhờ cửa Phật từ bi gột rửa tội lỗi khủng khiếp mà bà đã gây ra.

Trở lại tình trạng của cô vũ nữ bị tạt axít. Axít sunphuric đậm đặc đã gây phỏng độ 3 toàn bộ khuôn mặt, đôi mắt của nạn nhân cũng bị phỏng rất nặng. Các bệnh viện ở Sài Gòn đều lắc đầu, bó tay. Họ chỉ có thể cứu được mạng sống của cô gái, còn đôi mắt, khuôn mặt thì trình độ của y học Sài Gòn lúc đó chỉ biết đứng nhìn. Bà Trần Lệ Xuân đã đích thân đến bệnh viện Đồn Đất thăm nạn nhân, trực tiếp nghe các bác sĩ trình bày tình trạng thương tật. Bà bàn với chồng là cố vấn Tổng thống Ngô Đình Nhu tìm cách giúp nạn nhân. Ngô Đình Nhu đã chỉ đạo cho đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa ở Nhật Bản đỡ đầu, giúp gửi cô Cẩm Nhung sang Nhật chữa vết thương. Thế nhưng, nền y học của Nhật Bản cũng phải chịu thua, chấp nhận để dung nhan cô gái bị phá hủy hoàn toàn. Hai tháng sau, Cẩm Nhung trở về nước, không có người đưa đón. Lúc đó, Sài Gòn đã đổi chủ, chế độ Ngô Đình Diệm vừa mới bị lật đổ.

Một kiếp phù hoa

Đau khổ, buồn chán đến tuyệt vọng, vũ nữ Cẩm Nhung đã “trả thù đời” bằng cách đập phá, uống rượu, hút thuốc… Ngày trước, khi còn ở trên đỉnh tham vọng, người đàn ông nào được dìu cô bước ra sàn nhảy nhã là diễm phúc lớn. Còn những kẻ được làm người tình bao giờ cũng phải trải hàng núi tiền dưới chân cô. Bây giờ, để “trả thù đời”, Cẩm Nhung sẵn sàng ngã vào lòng bất cứ người đàn ông nào, không cần tiền bạc hay điều kiện gì.

Thế nhưng, với khuôn mặt cháy sém, những vết thẹo lồi lõm như ác quỷ, cặp mắt mờ đục lồi ra ngoài như mắt ếch, hiếm người đàn ông nào đủ can đảm làm tình nhân của cô. Chán chường, tức giận, Cẩm Nhung càng lặn ngụp trong rượu chè be bét. Người mẹ khốn khổ của Cẩm Nhung vì buồn phiền mà sinh bệnh, rồi qua đời cuối năm 1964, chỉ hơn một năm sau ngày đứa con gái bất hạnh của bà bị nạn. Càng thêm đau khổ, Cẩm Nhung càng lao sâu vào cuộc nghiện ngập cho quên đời.

Ngày cô không còn đủ tiền để trả tiền thuê nhà cũng là ngày bà vú Sọ trung thành đổ bệnh nặng, không tiền chạy chữa, nên đã qua đời.Còn lại một mình trên đời, không nơi nương tựa, không người thân, không nhà cửa, không tài sản, cô vũ nữ lừng danh một thời chỉ còn con đường đi ăn xin.

Lần đầu tiên, người dân Sài Gòn thấy vũ nữ Cẩm Nhung đi ăn xin trước chợ Bến Thành vào khoảng trước Tết năm 1969. Cô ngồi bên vệ đường Lê lợi, khăn che kín mặt mày, trên ngực đeo bức ảnh cô chụp chung với trung tá Trần Ngọc Thức, trước mặt là vỏ lon sữa Ghi-gô cô chìa ra xin lòng thương hại của người đi đường.

Người Sài Gòn nghe tin đã kéo tới xem Cẩm Nhung đi ăn xin, đông như đi xem cải lương. Ngoài tấm hình đeo trên ngực, người ta còn nhận ra Cẩm Nhung ở đôi bàn tay mịn màng, không chút tì vết và đôi bàn chân gót son thon thả. Càng về sau, người Sài Gòn càng bớt cảm động về chuyện ăn xin của cô vũ nữ. Người dân khu vực quận 1 lúc đó đã không khỏi bùi ngùi khi thấy Cẩm Nhung mù lòa cầm gậy dò đường trên đại lộ Lê Lợi, con đường Tự Do, trên những lối đi một thời in dấu chân cô vũ nữ xuân sắc. Sau đó, Cẩm Nhung phải rời khỏi khu vực chợ Bến Thành, lần mò đến chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu, và cuối cùng âm thầm rời Sài Gòn hoa lệ để về miền Tây xa xôi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận.

VunuCamNhung 02 Tanphe

Hình ảnh của Cẩm Nhung một thời được đem ví với chuyện “hồng nhan bạc phận”, cho một kiếp phù hoa sáng nở, tối tàn. Sau nhiều năm bôn ba khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, cuối cùng, bà đã ẩn mình sống quãng thời gian cuối đời nơi vùng đất tâm linh cuối trời Nam, dưới mái chùa Tam Bảo.

Những năm tháng Cẩm Nhung lang thang trên khắp nẻo Sài Gòn sau khi bị nạn, cũng là lúc trên sân khấu ca nhạc của Sài Gòn thịnh hành bài hát “Bài ca cho người kỹ nữ” của hai tác giả Nhật Ngân – Duy Trung. Không biết các tác giả viết bài hát này để tặng cho ai khác hay vì xót thương số phận của Cẩm Nhung mà lời bài hát như nói về cuộc đời của cô vữ nữ bất hạnh này. Người ta kể rằng, mỗi khi đang đi ăn xin trên đường, tình cờ nghe bài hát “Bài ca cho người kỹ nữ” vang lên, Cẩm Nhung luôn ôm mặt khóc, đứng tựa vào đâu đó thật lâu rồi mới dò gậy đi ăn xin tiếp.

Bài hát có đoạn:

"...Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người
Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi
Loài người vô tình giẫm nát thân em..."

Kết cuộc

 Sau ngày 30.04.1975, Cẩm Nhung tiếp tục ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận. Nhưng sau đó chính quyền dẹp nạn ăn xin để ổn định trật tự xã hội, Cẩm Nhung được đưa vào trung tâm nuôi người tàn tật. Không chịu được cuộc sống gò bó trong trung tâm, người phụ nữ mù đã lén bỏ trốn về Sài Gòn tiếp tục cuộc đời xó chợ đầu đường.

Rồi cô lại bị “thu gom”, rồi lại trốn về tận Hà Tiên. Tại đây, Cẩm Nhung xin tá túc nhà chùa để được chén cơm, manh áo, vừa quét dọn sân chùa để khuây khỏa nỗi buồn trong cuộc đời bạc bẽo của cô. Kể từ đó, dù tá túc trong nhà chùa hay ăn xin đó đây, cô không còn đeo tấm hình “nữ hoàng vũ trường” của mình trước ngực nữa.

Một ngày đầu năm 2013, tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nơi những người ăn xin, bán vé số, bốc vác tứ xứ đến thuê ở trọ, Cẩm Nhung qua đời trong đói nghèo, không một người thân, bà lão được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa...

 

                                      &&&

 

Trần Thông sưu tầm
02.08.2015

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Sưu tầm Khác Vũ nữ Cẩm Nhung, một kiếp phù hoa